Thực phẩm “bẩn” tràn lan thị trường: Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Liên tục những ngày qua, hàng loạt vụ thực phẩm “bẩn” bị đưa ra ánh sáng. Từ đồ ăn đến đồ uống, từ món khô đến ướt, từ hoa quả đến thịt cá… chưa khi nào người dân lại phải “đương đầu” với nhiều loại thực phẩm “bẩn” khó kiểm soát như hiện nay.

Đáng buồn, trong khi thủ đoạn vi phạm ngày càng được “nâng tầm” các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu, chưa kể tình trạng lùng nhùng, chồng chéo, thậm chí đổ lỗi cho nhau khi có vụ việc xảy ra.

Nghìn cách vi phạm

Người tiêu dùng đã từng “tá hỏa” khi các ngành chức năng đưa ra cảnh báo về phẩm màu trong hạt dưa, hàn the trong giò, chả… và giờ đây, các chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm, đồ uống ngày càng trở nên đa dạng hơn với nhiều loại độc tố vô cùng nguy hiểm. “Công nghệ” đầu độc, hành vi vi phạm trong chế biến thực phẩm đã được “nâng tầm” về thủ đoạn. Trong khi đó, nhận biết, phát hiện ra các loại chất cấm là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng.

Ngay trong tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) – Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) phát hiện, bắt giữ một xe tải chứa 80.000 ống thuốc dạng lỏng kích thích cây trồng có thành phần chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ chất pCPA được pha chế trong môi trường kiềm. Các chất trên không nằm trong danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, dư luận thực sự “sốc” khi các cơ quan chức năng cho biết, do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu tiếp xúc trực tiếp với số thuốc kích thích trên có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Thậm chí, nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Sự việc trên chưa nguôi lại đến vụ ngộ độc sau khi uống rượu dán nhãn “Rượu nếp 29 Hà Nội” tại Quảng Ninh, khiến 6 người tử vong. Rùng mình hơn khi kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội đã pha cồn công nghiệp, loại chỉ dùng trong may mặc, in ấn và đánh bóng véc ni vào rượu. Kết quả, toàn bộ số rượu bị nhiễm độc tố có nồng độ methanol cao hơn 2.900 lần mức cho phép. Đấy là chưa kể đến hàng loạt vụ thực phẩm “bẩn” bị phát hiện thời gian qua, như: Chất tinopal sử dụng để tẩy trắng bún, bánh phở hay để gà, vịt có màu bắt mắt, sau khi giết mổ, nhiều cơ sở còn dùng hóa chất rhodamine B (chất nhuộm vải) để “nhuộm” vàng da gà…

Hiểm họa không nhìn thấy

Hậu quả nhãn tiền khi sử dụng thực phẩm “bẩn” là những ca ngộ độc đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, tác động của thực phẩm bẩn đối với con người dường như không có giới hạn. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng bệnh ung thư gia tăng cũng liên quan đến thực phẩm “bẩn”, thực phẩm nhiễm hóa chất…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra con số đáng báo động khi số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn cầu đã tăng lên đến hơn 14 triệu người/năm. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có từ 240-250 nghìn người mắc bệnh ung thư. Trong đó số mắc mới lên tới 150 nghìn người và 75 nghìn người tử vong/năm. Dự báo con số này còn có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam Nguyễn Bá Đức, khác với những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể sớm phát hiện, với ung thư, việc tích lũy bệnh là cả quá trình lâu dài, khó nhận biết. Khi cung cấp vào cơ thể một lượng thực phẩm nhiễm độc thì cũng có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư. Điều đáng lo ngại là mầm bệnh có thể âm ỉ trong một tháng, một năm hay vài năm sau mới phát hiện ra. “Hiện nay, 30% tỷ lệ mắc ung thư là do sử dụng thực phẩm “bẩn”. Những loại ung thư dễ mắc do sử dụng thực phẩm chứa độc tố, đó là ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư gan…”, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh.

Vẫn “cha chung không ai khóc”

Trước sự việc nghiêm trọng “Rượu nếp 29 Hà Nội” có chứa độc tố lớn hơn 2.900 lần, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung cho rằng, đây là một bài học sâu sắc đối với cơ quan chức năng. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ quyết liệt hơn trong thanh kiểm tra cũng như xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi thanh tra, các vi phạm chỉ bị xử lý hành chính, yêu cầu khắc phục sự cố nên chưa mang tính răn đe, không đủ sức buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn như khi phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn”, ngành chức năng chỉ đưa ra mức phạt theo quy định từ 30-50 triệu đồng. Với số tiền phạt như vậy chỉ bằng doanh số một vài ngày của cơ sở sản xuất, kinh doanh nên vi phạm vẫn chồng lên vi phạm. Vậy mới có chuyện, Sở Công thương Hà Nội cả 5 lần kiểm tra (giai đoạn 2008-2013) Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội đều phát hiện sai phạm nhưng chỉ xử lý hành chính, còn hàng nghìn lít rượu độc vô tư “lọt lưới” ra thị trường, diễu cợt mạng sống của người tiêu dùng.

Thực tế chỉ đến khi “Rượu nếp 29 Hà Nội” gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 6 người tử vong thì những người đứng đầu công ty mới bị đưa ra khởi tố. Còn với những vụ vi phạm khác, hậu quả chưa nhìn thấy ngay thì chưa có vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự. Do vậy, theo một chuyên gia y tế, “Chúng ta cần phải bổ sung vào Bộ luật Hình sự về cấu thành tội phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, phải lượng hóa được mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi vi phạm để xử lý”.

Hiện nay, việc quản lý về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Nhìn vào trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, có thể thấy, thực phẩm được phân cấp, giám sát từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu đến thức ăn chế biến… Thế nhưng, thị trường vẫn tràn lan thực phẩm “bẩn”. Vậy, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào? Phải chăng, sự phối hợp lỏng lẻo, “chồng chéo” đã dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”?

Thực phẩm “bẩn” tràn lan thị trường: Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên